Phục trang đi kèm Kimono

Cách buộc taiko-musubiCách buộc Darari-MusubiKimono và các phụ kiện trưng bày trong một cửa tiệm tại Nhật Bản.

Khi mặc kimono phải mặc juban trước, là một áo lót để bảo vệ kimono khỏi bẩn, sau đó cuốn bên phải vào trước, bên trái vào sau, và thắt lại bằng thắt lưng Obi làm bằng lụa. Nếu quấn bên trái trước nghĩa là bạn sắp đi dự tang lễ. Việc mặc kimono rất mất thời gian, và hầu như không thể tự mặc. Người mặc kimono phải đi guốc gỗ, và mang bít tất tabi màu trắng.

Một phụ kiện không thể thiếu để nhận diện kimono, cũng là niềm tự hào của các nghệ nhân trang phục Nhật Bản, là chiếc khăn thắt lưng obi, được dùng để cố định nếp áo và như một điểm nhấn trang trí cho chiếc kimono. Ngoài ra obi còn mang tính ngầm biểu hiện thành phần xã hội. Một chiếc obi thông thường dài khoảng 4,2 m và rộng 30 cm, với chất liệu bằng lụa và được trang trí hoa văn dệt thủ công cầu kì, tinh xảo. Có hai loại Obi: fukuro-obi (chỉ được trang trí 1 mặt) và nagoya-obi (ở giữa hẹp hơn để thắt quanh người dễ dàng hơn). Một số obi như nishiki-obi làm ở Kyoto và hakata-kenjo làm ở quận Fukuoka được đánh giá cao về màu sắc phóng khoáng như vàng hay bạc được dệt lên nó.

Người Nhật có hơn 100 cách để buộc obi. Các kiểu buộc thường phản ánh sự vật trong tự nhiên. Loại obi phổ biến và được ưa chuộng nhất là taiko-musubi được buộc ở đằng sau, có dáng dấp đơn giản của một chiếc trống, không kén chọn tuổi tác và có thể kết hợp với bất kì loại kimono nào. Taiko-musubi trở nên phổ biến từ gần cuối triều Edo, do các geisha nghĩ ra vào thế kỷ XIX. Tới khi loại nơ này xuất hiện trên màn ảnh, người ta không thực sự quan tâm lắm về vẻ đẹp của obi, obi chỉ như một công cụ để giữ Kimono vào đúng chỗ để mặt trước được kín. Nhưng ngay khi taiko-musubi xuất hiện, rất nhiều kiểu dáng nơ khác cũng xuất hiện theo.

Ngoài ra còn có kiểu bunko-musubi, với đặc trưng như bươm bướm đang rủ cánh, tateyanoji-musubi với hình dạng chiếc nơ lớn nghiêng một góc 45% (thường đi kèm với trang phục thiếu nữ furisode), darari-musubi có hình dạng hai tấm lụa dài vắt chéo sau lưng, dành cho các maiko (geisha thực tập).

Vào triều Meiji, người ta bắt đầu dùng obi với phụ kiện như obi-age và obi-jime. Obi-age giữ miếng độn dùng để tạo thành nơ vào đúng chỗ. Obi-jime được dùng để giữ obi vào đúng chỗ. Công dụng của những phụ kiện với các màu khác nhau kết hợp lại trở thành một cách để người ta khoe gu thẩm mỹ của mình.

Những vật dụng cần thiết khác dùng với kimono bao gồm han'eri và tabi (tất xỏ ngón đi với dép zori). Những vật dụng này có màu trắng hoàn toàn để tôn lên màu sắc của kimono.

Phụ nữ mặc kimono thường cầm theo cây dù trúc truyền thống. Đàn ông mặc kimono với hakama (một loại phụ kiện kiểu nửa quần nửa váy, mặc phía dưới, bên ngoài kimono) và haori (áo khoác ngoài có vạt áo ngắn đến hông hoặc đùi, tay áo rộng).